Chuyên gia gợi ý nhóm ngành có khả năng tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý II/2024

Chủ nhật, 05/05/2024-06:05
00:00/00:00
Nam miền bắc
Trong giai đoạn hiện tại, chuyên gia đến từ Agriseco cho rằng, các nhà đầu tư nên tập trung vào việc tái cơ cấu danh mục khi thị trường đang xuất hiện nhịp phục hồi sau đợt điều chỉnh sâu bởi nhiều thông tin trái chiều.

Chỉ số VN-Index vừa trải qua tháng 4 tương đối gập ghềnh khi có thời điểm đã đánh rơi gần 10% chỉ trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, sau đó chỉ số chính đã thành công giành lại ngưỡng 1.200 điểm. Đóng cửa phiên cuối cùng của tháng 4, chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm tổng cộng hơn 70 điểm so với tháng trước, tương ứng mất 6%.

Ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán Agriseco cho rằng, xu hướng tăng trong ngắn hạn và trung hạn của thị trường đã suy yếu và đảo chiều thành giảm điểm. Lực cầu tăng trở lại tại vùng 1.160-1.180 điểm cho thấy đây đang là điểm đỡ đáng tin cậy của VN-Index. Vị chuyên gia nhận định thị trường sẽ tiếp tục diễn biến tăng giảm đan xen với biên độ rộng giúp chỉ số mở rộng nhịp phục hồi.

Diễn biến chỉ số VN-Index.
Diễn biến chỉ số VN-Index.

Trước mắt, vùng kháng cự của VN-Index là quanh đường MA20, tương đương với mốc 1.230-1.240 điểm. Trước khi chỉ số VN-Index xác nhận bứt phá khỏi vùng cản này, thì xu hướng trong trung hạn vẫn sẽ là giảm điểm. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng xu hướng điều chỉnh không chịu ảnh hưởng nhiều bởi hiệu ứng “Sell in May”, bởi theo thống kê cho thấy tác động của hiệu ứng này trên thị trường chứng khoán Việt Nam là không đáng kể.

Giai đoạn hiện tại, ông Khoa cho rằng các nhà đầu tư nên tập trung vào việc tái cơ cấu danh mục khi thị trường đang có nhịp phục hồi sau đợt điều chỉnh sâu bởi nhiều thông tin trái chiều. 

Trong thời gian tới, vùng 1.180-1.230 sẽ là vùng biến động chính của chỉ số và nhà đầu tư cần tăng/giảm tỷ trọng cổ phiếu dựa trên kịch bản cơ sở là chỉ số sẽ biến động về biên trên/dưới của ngưỡng này. Các cổ phiếu VN30, bluechip nên được ưu tiên tăng tỷ trọng trong các nhịp điều chỉnh của thị trường nhờ nền tảng cơ bản tốt cũng như định giá về vùng hợp lý.

Về hoạt động cơ cấu ETF đang diễn ra với hạn cuối là ngày 3/5, vị chuyên gia đến từ Agriseco nhận định rổ VNDiamond với giá trị tham chiếu lớn nhất sẽ thu hút được sự quan tâm, đặc biệt với các cổ phiếu được review vào/ra danh mục tương ứng trong kỳ này là BMP/MWG cũng như một số cổ phiếu được mua vào - bán ra với số lượng đáng kể khác. 

Tuy nhiên, ông Khoa không đánh giá cao cơ hội đầu tư dựa trên các sự kiện khi thông tin đã được công bố từ giữa tháng và việc cơ cấu sẽ chỉ diễn ra trong một phiên, khả năng sinh lời hay rủi ro chưa thực sự rõ ràng.

Với thông tin về việc KRX chưa được chấp thuận vận hành vào ngày 2/5 vừa qua, vị chuyên gia đánh giá điều này nhằm đảm bảo vận hành hệ thống một cách trơn tru, an toàn và thông suốt để đảm bảo lợi ích tối đa cho nhà đầu tư trên thị trường. Đồng thời, việc go-live KRX vốn đem đến nhiều kỳ vọng cho thị trường cũng như nhóm chứng khoán sớm trở lại trong thời gian tới. Do đó, việc lùi thời gian vận hành sẽ không gây ảnh hưởng tới thị trường vì chỉ là thêm thời gian chuẩn bị cần thiết.

Nhận định về bức tranh kết quả kinh doanh, tính đến nay, lợi nhuận quý I/2024 của các doanh nghiệp niêm yết được công bố đạt mức tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước. Bước sang quý II, vị chuyên gia Agriseco cho rằng lợi nhuận thị trường sẽ tiếp tục hồi phục và duy trì mức tăng trưởng tốt, khoảng 15-20% so với cùng kỳ trong bối cảnh các tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế dần xuất hiện như: Chỉ số PMI cải thiện và trở lại mốc trên 50; kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hồi phục. Theo đó, vị chuyên gia chỉ ra các nhóm ngành có triển vọng lợi nhuận quý II tích cực gồm có: Thép, bán lẻ và công nghệ thông tin.

Các cổ phiếu VN30, bluechip nên được ưu tiên tăng tỷ trọng trong các nhịp điều chỉnh nhờ nền tảng cơ bản tốt và định giá về vùng hợp lý. (Ảnh minh họa)
Các cổ phiếu VN30, bluechip nên được ưu tiên tăng tỷ trọng trong các nhịp điều chỉnh nhờ nền tảng cơ bản tốt và định giá về vùng hợp lý. (Ảnh minh họa)

Nhóm ngành nào đang dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận quý I/2024?

Thống kê của Chứng khoán Yuanta cho thấy, tính đến hiện tại đã có 800/1.649 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý I/2024. Trong đó, 645 doanh nghiệp báo lãi và số doanh nghiệp báo lỗ là 155.

Cụ thể, nhóm hàng và dịch vụ công nghiệp có số lượng doanh nghiệp báo lãi nhiều nhất với 100 doanh nghiệp. Xếp ở vị trí tiếp theo là nhóm xây dựng vật liệu với 85 doanh nghiệp báo lãi. Nhóm thứ 3 là điện nước xăng dầu khí đốt 81 doanh nghiệp. Tiếp theo là nhóm thực phẩm đồ uống với 52 doanh nghiệp, 47 doanh nghiệp ở nhóm bất động sản và nhóm tài nguyên cơ bản là 49 doanh nghiệp.

Ở chiều ngược lại, nhóm báo lỗ nhiều nhất là vật liệu xây dựng với 45 doanh nghiệp thua lỗ trong quý I, tiếp đến là thực phẩm đồ uống với 22 doanh nghiệp, bất động sản 17 doanh nghiệp…

So với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường tăng 12%. Trong đó, nhóm tài chính tăng 13,7%; nhóm phi tài chính tăng 9,5%. Con số này dựa trên số lượng 800 doanh nghiệp chiếm 87% vốn hóa đã công bố kết quả kinh doanh quý I và 621 doanh nghiệp chiếm 37% vốn hóa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024.

Tính theo năm, tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường theo kế hoạch năm 2024 là 18% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nhóm tài chính ghi nhận tăng 20% và nhóm phi tài chính tăng 17%.

Doanh thu toàn thị trường cũng tăng 3,4% trong quý I vừa qua. Trong đó, du lịch và giải trí có mức tăng trưởng mạnh nhất là 35,2%; đứng thứ 2 là dịch vụ tài chính với 22,2%; hàng cá nhân gia dụng ở vị trí thứ 3 với 19,7%; công nghệ thông tin là 17,3%; tiếp đến bán lẻ 15,4%, ngành ngân hàng 8,4%; xây dựng và vật liệu với 5,2%...

Diễn biến ngược chiều, bất động sản là nhóm giảm mạnh nhất với 49,3%; tiếp theo là dầu khí giảm 6,9%; điện nước xăng dầu khí đốt 6,5%; hóa chất giảm 2,3%.

Về lợi nhuận, nhóm bán lẻ tăng trưởng mạnh nhất với 353%; tài nguyên cơ bản tăng 209%; ô tô và phụ tùng ghi nhận mức tăng 145,9%; xây dựng và vật liệu tăng 126,7%; dịch vụ tài chính tăng 123,6%; viễn thông là 95%; du lịch giải trí tăng 69,4% trong khi đó, bảo hiểm tăng 19,6%; ngành ngân hàng tăng 10,8%.

Ngược lại, ngành bất động sản giảm 82,7% trong khi mục tiêu lợi nhuận cả năm tăng gần 8%, điện nước xăng dầu khí đốt giảm 53%; dầu khí mất 20,7% và y tế giảm 17,3%.

Chứng khoán Yuanta đánh giá, lợi nhuận quý I/2024 tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn kỳ vọng vào sự phục hồi của cả năm 2024.

Nhóm ngành nào đang dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận quý I/2024? (Ảnh minh họa)
Nhóm ngành nào đang dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận quý I/2024? (Ảnh minh họa)

Hay tại thống kê của FiinTrade trước đó cũng chỉ ra 2 ngành “trụ cột” của thị trường là ngân hàng và bất động sản cùng có kết quả kinh doanh kém sắc. Cụ thể, với ngân hàng, lợi nhuận sau thuế của 27/27 ngân hàng ghi nhận tăng 9,6%, kém xa so với mức tăng trưởng dự kiến cho cả năm 2024 (+19%) cũng như kỳ vọng của giới phân tích cho quý I là 12% đến 15%.

Trong khi đó, với bất động sản, lợi nhuận sau thuế của 60/130 doanh nghiệp đại diện (chiếm 74,4% vốn hóa toàn ngành) giảm mạnh 82% do Vinhomes (VHM) không còn thu nhập từ bán buôn dự án như cùng kỳ. 

Nếu không tính VHM, lợi nhuận của 59 doanh nghiệp ngành bất động sản còn lại giảm 15,1% do nhóm bất động sản nhà ở bị ảnh hưởng (NVL, KDH, NLG, DIG). Mặt khác, bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng 26,5% so với cùng kỳ nhờ BCM, SZC, SZB.

Có thể thấy, lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp bất động sản đã phản ánh đúng với tình thị trường hơn và trái với kỳ vọng lạc quan “thái quá” của doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc các doanh nghiệp thiếu sản phẩm mở bán ở giai đoạn 2022-2023 sẽ khiến doanh nghiệp khó có thể ghi nhận tăng trưởng mạnh về mặt lợi nhuận trong năm 2024. Công ty chứng khoán này kỳ vọng từ năm 2025, khi Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực, cùng với Nghị định về phát triển và quản lý Nhà ở xã hội chính thức ban hành sẽ giúp giải quyết những nút thắt liên quan tới dự án nhà ở xã hội. Theo đó, kỳ vọng các tỉnh, thành phố cấp II, nơi tập trung nhiều cụm công nghiệp lớn sẽ là những khu vực chứng kiến sự sôi động của phân khúc này./.

Nguyễn Minh Hằng
Theo: kinhdoanhvaphattrien.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Thị trường chung cư khu vực phía Nam đang diễn biến ra sao?

Dòng tiền rẻ vẫn ở ngoài thị trường, chứng khoán nhận hơn 2 tỷ USD trong một năm

 Bất động sản nhận nguồn vốn rẻ từ ngân hàng 

Lợi thế của các căn hộ sắp bàn giao

Số cửa hàng tiện lợi tăng nhanh: Doanh nghiệp bán lẻ lo giữ thị phần

Liên tiếp các màn ra mắt về AI trong chưa đầy 2 ngày

Bỏ qua cơn sốt vàng, giới đầu tư đang “ghim” tiền vào đâu?

Doanh nghiệp Việt đẩy mạnh M&A đối tác ngoại

Tin mới cập nhật

Thị trường chung cư khu vực phía Nam đang diễn biến ra sao?

1 giờ trước

Lợi thế của các căn hộ sắp bàn giao

2 giờ trước

 Bất động sản nhận nguồn vốn rẻ từ ngân hàng 

2 giờ trước

Dòng tiền rẻ vẫn ở ngoài thị trường, chứng khoán nhận hơn 2 tỷ USD trong một năm

2 giờ trước

Số cửa hàng tiện lợi tăng nhanh: Doanh nghiệp bán lẻ lo giữ thị phần

2 giờ trước